Thư viện Web Mail Liên hệ
   
 
 
 
Loading...
Hiểu kinh tế qua một bài học

Không một lĩnh vực nghiên cứu nào lại có nhiều nguỵ biện như trong kinh tế học. Điều này bắt nguồn từ bản chất của bộ môn.
Trong một thời gian dài, không chỉ ở Việt Nam mà còn trên khắp thế giới, cơ chế thị trường luôn hứng chịu búa rìu công luận về những nan giải mà xã hội phải đối mặt như lạm phát, thất nghiệp, chênh lệch giàu nghèo, và thậm chí cả chiến tranh cũng như suy đồi đạo đức. Chỉ đến khi những thử nghiệm thay thế cơ chế thị trường bằng cơ chế hoạch định tập trung bị thất bại trên hầu khắp các quốc gia, người ta mới bắt đầu nhìn nhận lại vai trò của thị trường đối với xã hội loài người. Tuy thế, ở nhiều nơi, người ta mới chỉ nhìn nhận một phần vai trò của nó, rằng thị trường quả có hữu ích thật nhưng nó vẫn chứa đầy khiếm khuyết, đòi hỏi chính phủ phải có trách nhiệm hiệu chỉnh những khiếm khuyết đó. Họ thực sự vẫn chưa hiểu được rằng thị trường là một cái gì đó “vốn có thể tiến triển không cần đến bàn tay của con người (và thậm chí không cần cả sự hiểu biết của chúng ta về nó)”, nhưng lại “giải quyết được những vấn đề mà chắc chắn chúng ta không tài nào có thể làm được một cách có ý thức”[1].


Đúng là thị trường vẫn chưa đem lại những kết quả mà con người mong muốn. Nhưng đó một phần là do con người chưa biết khai thác đầy đủ các lợi ích của nó, một phần là do khung pháp luật và thể chế của chúng ta chưa thích ứng để bảo vệ nó, và một phần là do các cơ quan chính phủ ở khắp mọi nơi đã liên tục làm tổn hại đến thị trường thông qua những hành động “hiệu chỉnh” nó. Đã đến lúc từng người dân, đặc biệt là giới trí thức, cần phải được trang bị những kiến thức nhất định về thị trường, để không những tự mình có thể khai thác được những tiềm năng vô hạn của nó, mà còn cất lên tiếng nói bảo vệ nó trước những ngụy biện về khả năng của một nhóm cá nhân trong việc “định hướng” thị trường vào một số mục tiêu cụ thể nào đó – những mục tiêu mà họ nghĩ rằng hành động “định hướng” của họ sẽ mang lại lợi ích cho xã hội, nhưng kỳ thực lại làm tổn hại đến toàn thể xã hội.

 

Cuốn sách Hiểu kinh tế qua một bài học của Henry Hazlitt (1894-1993) xứng đáng là cuốn sách giáo khoa về kinh tế học hàng đầu trong việc trang bị những kiến thức nền tảng về kinh tế thị trường. Tác giả của nó là một nhà báo có uy tín chuyên về phân tích các vấn đề kinh tế. Ông đã từng làm phóng viên cho các tờ báo có ảnh hướng lớn của Mỹ như Wall Street Journal, Sun, Herald, New York Times, The Nation, American Mecury, Newweek, Freeman, v.v... Mặc dù cuốn sách được viết vào năm 1946 và được Hazlitt hiệu chỉnh đôi chút năm 1978, nó vẫn truyền tải những nội dung mà hiếm cuốn sách giáo khoa kinh tế học hiện đại nào đạt tới được. Bằng một lối viết giản dị và trong sáng, Hazlitt đã cho chúng ta thấy hầu hết các lý lẽ kinh tế phức tạp về sự cần thiết phải có sự can thiệp của chính phủ vào thị trường đều chứa đựng một ngụy biện ít ai có thể ngờ, rằng ném vỡ cửa kính đem lại lợi ích cho xã hội. Có lẽ chẳng người dân bình thường nào lại chấp nhận phát biểu này trong cuộc sống hàng ngày. Tuy nhiên, bằng những che đậy tinh vi và khéo léo, những lý lẽ thuộc loại đó, đặc biệt khi được phát biểu bởi những nhân vật có địa vị trong xã hội, vẫn chiếm lĩnh được niềm tin của một số đông dân chúng trong xã hội. Hazlitt đã bóc trần những ngụy biện kinh tế đó bằng cách chỉ ra rằng chúng đều “mắc phải một trong hai lỗi hoặc đôi khi cả hai: Hoặc chúng chỉ tính đền các tác động tức thời của một chính sách hay biện pháp kinh tế, hoặc chúng chỉ xem xét các tác động này trên một nhóm lợi ích nhất định và bỏ qua các nhóm khác” (tr. 17).

 

Đối với giới báo chí, những người đang ngày càng nhận ra vai trò phản biện xã hội của mình, cuốn sách của Hazlitt có thể được xem như một cẩm nang chứa đựng những bài mẫu để phân tích các đề án kinh tế do chính phủ đưa ra. Không phải đợi đến khi việc thực thi những đề án này gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho xã hội thì giới báo chí mới bắt tay vào xem xét và mổ xẻ. Những bài học ứng dụng mà Hazlitt trình bày chỉ ra rằng giới báo chí hoàn toàn có thể bắt tay vào phân tích các hậu quả xấu có thể xảy ra cho tổng thể xã hội mà mà các đề án chính phủ có thể gây ra – những hậu quả mà các đề án cố tình hoặc vô ý không đề cập tới – để có thể phòng chống ngay từ đầu. Nếu có sự tham gia phản biện tích cực từ giới báo chí từ một nền tảng đúng đắn, chúng ta rất có thể đã tránh được hoặc chí ít là giảm thiểu được những thiệt hại nghiêm trọng mà một số đề án phát triển kinh tế gần đây gây ra ở Việt Nam.

 

Đối với giới chuyên gia kinh tế thường xuyên tư vấn cho chính phủ, cuốn sách của Hazlitt cũng rất đáng được tham khảo. Nó giúp chúng ta tránh được những ngụy biện mà có thể chúng ta vô tình mắc phải do sự chuyên môn hóa sâu cũng như thói quen phức tạp hóa các lý lẽ kinh tế của chúng ta bằng các mô hình toán học và số liệu thống kê. Dù chúng ta có mang một rừng các phương trình toán học cũng như số liệu thống kê để bao bọc cho các lý lẽ của mình, nhưng nếu chúng mâu thuẫn với các nguyên lý kinh tế thị trường nền tảng, thì phải đến 99% chúng chứa đựng ngụy biện ở đâu đó và sẽ gây hại cho xã hội khi được mang vào ứng dụng thực tiễn.

 

Đối với sinh viên đại học, có lẽ cả học sinh trung học nữa, và bất cứ ai, những người muốn tìm hiểu kinh tế học đích thực là gì, cuốn sách Hiểu kinh tế học trong một bài học của Henry Hazlitt nên được ưu tiên lựa chọn hàng đầu. Nó không những giúp các bạn phân biệt được thế nào là một lập luận kinh tế đúng đắn, thế nào là một lập luận nguỵ biện, mà nó còn giúp các bạn tự mình có trách nhiệm với chính mình, tránh được những ảo tưởng về sự trợ giúp vô tư của một ai đó trong xã hội. Bạn sẽ nhận ra những nền tảng luân lý đáng được bảo vệ và vun đắp vì một xã hội thịnh vượng và tự do như tôn trọng quyền tư hữu của người khác, tự nguyện trao đổi trong hòa bình, biết tiết kiệm của cải vật chất, và liên tục trau dồi kỹ năng và tri thức của mình. Và cuối cùng, hy vọng bạn có thể hiểu ra rằng cơ chế thị trường, chứ không phải là một cá nhân hay một nhóm cá nhân nào đó, là phương tiện đồng hành không thể thiếu để giúp bạn đạt được sự sung túc về của cải vật chất lẫn tự do.

 

Tất nhiên, để có thể nắm bắt được những sức mạnh kỳ diệu dường như là “vô hình” của thị trường đòi hỏi chúng ta phải tìm đọc thêm nhiều cuốn sách chuyên ngành. Nhưng bài học “nhìn xa trông rộng” mà cuốn sách Hiểu kinh tế trong một bài học của Henry Hazlitt cung cấp có thể coi là bài học đầu tiên và quan trọng bậc nhất của kinh tế học về cơ chế thị trường. Thật khó mà kiếm được cuốn sách hiện đại nào dễ hiểu, đòi hỏi ít thời gian, nhưng lại có thể cung cấp cho độc giả không chuyên trong lĩnh vực kinh tế học một bài học đáng giá như vậy!

 
[1] F.A. Hayek, “The Use of Knowledge in Society“ [Sử dụng tri thức trong xã hội], American Economic Review, XXXV, số 4, Tháng 9, 1945, 519-30.v 

Các tin khác
 
 
 
 
free stats Khoa Kinh tế & Kinh doanh Quốc tế
Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội
Nhà E4, 144 Xuân Thủy, Cầu Giấy, Hà Nội
Tel/Fax: (84-4) 37950341 - Email: fibe_ueb@vnu.edu.vn
Website: fibe.ueb.edu.vn