Thư viện Web Mail Liên hệ
   
 
 
 
Loading...
WEBINAR: Bối cảnh Covid-19 và Nền kinh tế số: Góc nhìn tập trung vào thương mại điện tử

Hội thảo trực tuyến” Bối cảnh Covid-19 và Nền kinh tế số: Góc nhìn tập trung vào thương mại điện tử” đã diễn ra thành công tốt đẹp, thu hút sự quan tâm của các thầy cô, các bạn sinh viên và những nhà điều hành doanh nghiệp.

Trải qua cuộc khủng hoảng kinh tế gây ra bởi Covid-19, cuộc cách mạng chuyển đổi số đã giúp không ít doanh nghiệp, quy mô lớn cũng như vừa và nhỏ, hay cả những cá nhân kinh doanh online, vượt qua khó khăn và thích nghi với cuộc sống bình thường mới. Chuyển đổi số đã và đang là xu hướng tất yếu.

 TS. Vũ Thanh Hương, Phó Trưởng Khoa Kinh tế và Kinh doanh quốc tế, chủ trì Webinar

Trên cơ sở đó, buổi tọa đàm với chủ đề thương mại điện tử trong nền kinh tế số đã được các chuyên gia quốc tế và doanh nghiệp thảo luận rất sôi nổi. Mở đầu là bài tham luận của Giáo sư Sitanon Jesdapipat, Giám đốc trung tâm nghiên cứu đổi mới kinh tế, Giảng viên Đại học Rangsit, Thái Lan. Covid-19 đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế Thái Lan, ngưng trệ nhiều lĩnh vực kinh doanh chủ chốt như du lịch, nghỉ dưỡng, nhà hàng khách sạn. Điểm đặc biệt là phụ nữ đóng góp phần lớn nhân lực cho các lĩnh vực này, bởi vậy đây cũng là nhóm chịu ảnh hưởng tiêu cực mạnh mẽ bởi đại dịch. Tuy nhiên, với tư duy nhạy bén, rất nhiều phụ nữ Thái Lan đã nhanh chóng áp dụng công nghệ để khởi sự kinh doanh online và mở rộng sang thương mại điện tử. Kết quả nghiên cứu của giáo sư Sitana đã cho thấy đây là một hướng đi đúng đắn, từ đó gợi mở nhiều giải pháp giúp doanh nhân vượt qua khó khăn trong đại dịch.

  Giáo sư Sitanon Jesdapipat, Giám đốc trung tâm nghiên cứu đổi mới kinh tế, Giảng viên Đại học Rangsit, Thái Lan

Tiếp theo đó, Tiến sĩ Nguyễn Thị Vũ Hà, Phó chủ nhiệm bộ môn Tài chính Quốc tế, Giảng viên Khoa Kinh tế & Kinh doanh Quốc tế đã đóng góp bài tham luận rất hấp dẫn về thực trạng nền kinh tế số của Việt Nam. Cơ sở hạ tầng kỹ thuật số như mạng 5G và sự đa dạng các thiết bị di động đang được phát triển mạnh mẽ để tạo nền tảng cho các ứng dụng công nghệ mới. Với khoảng 1/3 dân số sử dụng các dịch vụ tài chính và thanh toán điện tử, ứng dụng công nghệ mới và chuyển đổi số trong khối ngân hàng và tài chính đang được Chính phủ khuyến khích mạnh mẽ. Tuy còn khá nhiều khó khăn và thách thức, Việt Nam đang cố gắng vượt qua để hướng đến trở thành một quốc gia số vào năm 2030.

 
TS. Nguyễn Thị Vũ Hà, Phó chủ nhiệm bộ môn Tài chính Quốc tế, Giảng viên Khoa Kinh tế & Kinh doanh Quốc tế

Bên cạnh góc nhìn từ các chuyên gia, buổi tọa đàm được tiếp thêm sức sống từ tham luận của doanh nhân Nguyễn Hải Triều, đồng sáng lập Younet Media và cũng là CEO của Primdata, những công ty công nghệ ứng dụng rất nhiều dịch vụ chuyển đổi số. Khẳng định rằng Việt Nam đang có rất nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế số, anh Hải Triều khuyên các doanh nghiệp nên chú ý phát triển nguồn dữ liệu bởi đó chính là một tài sản số quan trọng, nâng cấp hệ thống phần cứng và phần mềm cũng như kiến tạo các mô hình kinh doanh mới phù hợp với bối cảnh mới. Thương mại điện tử và quảng cáo online là mảnh đất màu mỡ cho rất nhiều cá nhân và doanh nghiệp gia tăng năng suất và lợi nhuận.

 Doanh nhân Nguyễn Hải Triều, đồng sáng lập Younet Media và cũng là CEO của Primdata

Sau mỗi bài thuyết trình, rất nhiều câu hỏi được đưa ra và tham luận sôi nổi giữa diễn giả và sinh viên, giáng viên Khoa KT&KDQT. Các vấn đề tiêu biểu của chuyển đổi số trong thương mại quốc tế được bàn luận tích cực, góp phần tạo nên một tọa đàm thành công tốt đẹp.

Cao Thuỳ Linh - Khoa KT&KDQT 

Các tin khác
 
 
 
 
free stats Khoa Kinh tế & Kinh doanh Quốc tế
Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội
Nhà E4, 144 Xuân Thủy, Cầu Giấy, Hà Nội
Tel/Fax: (84-4) 37950341 - Email: fibe_ueb@vnu.edu.vn
Website: fibe.ueb.edu.vn